1
Cả người lạnh run, đầu óc ong ong.
Mà khổ nỗi vẫn có người chỉ vào mặt tôi mắng không ngừng.
“Vũ, mày giỏi thật đấy! Mới về nhà được mấy hôm mà đã gây chuyện lớn như thế rồi! Danh tiếng mấy chục năm của vợ chồng tao bị mày làm mất sạch! Đúng là con gái lớn lên ở quê, chẳng biết điều gì cả.
Giờ cả cái xóm này ai cũng biết mày nhảy sông vì không muốn lấy chồng, mày muốn tụi tao còn mặt mũi nhìn ai nữa hả!”
Nam có nữ có, già có trẻ có, âm thanh ồn ào khiến đầu tôi rối tung rối mù.
Tôi nóng tính, làm gì chịu được kiểu tra tấn này.
Bật dậy khỏi giường, tôi giật luôn cái gối và chậu nước bên cạnh ném thẳng xuống đất: “Ồn ào cái gì! Kiếp trước là lũ vịt đầu thai chắc?”
Người đàn bà trung niên bên cạnh bị tôi hất nguyên chậu nước lên người, la toáng lên.
“Vũ! Mày làm cái gì vậy hả?”
Tôi sờ trán, nóng rát—rõ ràng là đang sốt.
Nhìn hai người trung niên, một nam một nữ đứng trước mặt, tôi liếc qua căn phòng xung quanh.
Hừ lạnh: “Cái gì cũng hỏi tôi, trong mắt mấy người có để não không hay nhét hai cục thủy tinh vào đấy?”
Mặt người đàn ông tím lại vì giận: “Mày ăn nói kiểu gì với mẹ mày đấy hả?”
Tôi vẫn chưa hiểu tại sao mình mới đang trên đường đi làm, cứu một con mèo rồi lại xuất hiện ở đây.
Nhưng nhìn tình hình thì tôi cũng đoán được phần nào.
“Tôi nói chuyện thế nào hả?”
Tôi cười nhạt, đập tay lên chăn một cái, cái chăn bông phát ra tiếng “bộp” rõ to.
“Thế còn mấy người thì sao? Tôi nhảy sông vì lý do gì, mấy người không biết chắc?”
Thấy cả hai người né tránh ánh mắt tôi, tôi biết ngay chẳng ai tốt đẹp gì.
“Hừ, con gái nhảy sông, ốm nằm đây, làm cha làm mẹ không hỏi han được câu nào, còn ở đó mà chì chiết.
Mấy người muốn ép tôi chết để dọn chỗ cho ai hả?”
Người đàn bà tên là Mai còn định mắng tiếp, nhưng bị ông Quốc kéo ra ngoài.
Vừa ra đến cửa, bà ta tức tối la lớn: “Ông kéo tôi làm gì? Con này nó không dạy thì không biết điều đâu!”
Ông Quốc cũng bực: “Bà còn chưa thấy đủ mất mặt à? Cứ cãi nhau trước mặt hàng xóm, mai mốt còn dám ra đường nữa không?”
“Nhưng ông nhìn nó đi! Có chỗ nào giống con gái ruột của tụi mình không?”
“Thôi được rồi, muốn dạy thì cũng phải đợi nó hết bệnh đã.”
Thấy bên ngoài yên ắng, tôi mới thở phào, mệt rã rời chui vào chăn, thiếp đi.
2
Cảnh trong mơ rối tung rối mù, góc nhìn là một cô gái tên Vũ, mười tám tuổi.
Lúc nhỏ, ba mẹ dắt nhau đi chợ thì bị bọn buôn người bắt cóc.
Cũng may là sau đó được một cặp vợ chồng hiếm muộn nhận nuôi.
Ai ngờ nuôi chưa được bao lâu, bố mẹ nuôi lần lượt qua đời.
Cô lại bất ngờ được bố mẹ ruột tìm về.
Mang theo nỗi lo thấp thỏm, cô trở về nhà.
Nhưng trong nhà đã có thêm một đứa em gái—xinh đẹp, nói năng nhẹ nhàng, lại còn tốt nghiệp cấp ba.
Mặc váy hoa, đi giày da, tóc uốn bồng bềnh, nhìn cô em ấy như từ trời rơi xuống, còn mình thì chẳng khác nào đất bùn.
Bố mẹ ruột ban đầu còn có chút áy náy, nhưng sống lâu ngày rồi thì lại coi Vũ như gánh nặng.
Cô lớn lên ở quê, tính tình trầm lặng, chịu khó, việc gì cũng biết làm.
Lần đầu tiên đặt chân lên huyện cũng chỉ vì muốn mua quan tài cho bố mẹ nuôi.
Họ chưa bao giờ hiểu nỗi khổ và cuộc sống của cô, chỉ một mực đổ lỗi rằng cô không được dạy dỗ tử tế.
Cô có ấm ức, nhưng không biết phải phản bác thế nào.
Ngay cả ký ức thời thơ ấu cũng mơ hồ—hồi nhỏ từng có một cậu bạn hàng xóm tên Phúc rất thương cô, hai bên còn hứa miệng đính hôn.
Thế mà giờ, ánh mắt Phúc nhìn em gái cô—con bé tên Linh—đầy say mê, còn khi nhìn cô thì chỉ có ghét bỏ và khinh thường.
Khiến cô cảm thấy thà đừng quay về còn hơn.
Nhưng cô đâu còn người thân nào khác, đành tự nhủ: dù sao cũng là bố mẹ ruột.
Việc trong nhà cô làm, tiền kiếm được đưa về cũng bị bà Mai lấy đi, bảo là giữ hộ, nhưng chưa từng trả lại lần nào.
Chỉ thấy đồ đẹp, váy áo, nữ trang trên người em gái mỗi ngày một nhiều.
Sang năm thứ hai sau khi cô về nhà, họ cuối cùng cũng không chịu nổi “khúc gỗ” trong nhà nữa.
Bèn nhờ người mai mối, tìm đại một người chịu bỏ nhiều tiền sính lễ, định gả Vũ đi cho xong.
Ban đầu, cô cũng không để tâm đến chuyện cưới xin.
Nhưng hôm đó về sớm, vừa bước vào cửa thì nghe được cuộc nói chuyện của ông Quốc và bà Mai.
“Cái thằng Hòa kia tuy là đồ tể, nhưng sính lễ đưa ra đúng là rộng rãi thật, tận hai ngàn đồng.
Còn nói sẽ tặng luôn tivi, tủ lạnh, máy giặt, dàn loa, thêm cả một cái vòng vàng to nữa.”
Ông Quốc cũng gật đầu liên tục: “Đúng là hào phóng thật, có điều tôi nghe nói thằng đó to con, dữ tợn, đánh nhau không sót trận nào, không phải người dễ sống cùng đâu.”
“Thì sao? Mình là bên vợ chứ có phải kẻ thù đâu.
Cùng lắm cưới xong thì cắt đứt liên lạc.”
Vừa nghĩ tới, bà Mai vừa cười tươi như hoa: “Đợi bốn món đồ kia với cái vòng vàng đến, mình giữ lại đưa hết cho Linh.
Sau này mang về nhà chồng, người ta sẽ nể mặt nó hơn.”
“Thế sao được! Sính lễ người ta đưa là để đem về nhà chồng đấy.”
“Sao lại không được? Lúc lên xe cưới, hỏi thẳng xem nó muốn vợ hay muốn đồ.
Tới nước đó rồi, chẳng lẽ còn bỏ vợ béo trắng trước mặt?”
“Nhưng mình giữ đồ lại, con Vũ qua bên đó chẳng phải sẽ bị khinh thường à?”
“Là con mình đẻ ra thì phải hy sinh vì em gái nó chứ.
Hơn nữa nếu không có tôi đón nó từ quê về, một đứa con gái quê mùa thì có đáng giá hai ngàn không?”
Tiếng nói chuyện trong nhà vẫn còn tiếp tục, nhưng Vũ đứng ngoài cửa chỉ thấy trời đất quay cuồng.
Cô xem họ là bố mẹ, là người thân, mà họ chỉ coi cô là cục pin để hút máu nuôi con gái cưng.
Không chỉ cô bị đem ra tính toán, mà cả người cô sắp lấy cũng bị lợi dụng.
Chẳng ai quan tâm đến hạnh phúc của cô.
Mưa mới 19 tuổi, không còn lựa chọn nào khác, chỉ đành bước lên con đường tuyệt vọng—đi đến công viên, nhảy sông tự vẫn.
Tuổi xuân tươi đẹp của cô, tan biến trong làn nước lạnh giá.
3
Tôi thở dài, nhìn cô gái trong gương với gương mặt vàng vọt, đưa tay xót xa vuốt nhẹ lên má cô ấy.
“Yên tâm đi, tôi nhất định sẽ thay cô sống cho ra hồn!”
Lấy lại tinh thần, tôi vừa bước ra khỏi phòng thì đúng lúc thấy ba người kia đang ngồi ăn trưa vui vẻ.
Chắc tưởng tôi còn nằm bẹp trên giường, nên giữa bàn là nguyên con gà hầm béo ngậy, mỡ bóng loáng.
Thấy tôi ra, cả nhà lập tức nhìn tôi đầy cảnh giác.
Tôi không khách sáo, bước thẳng tới, giật phắt đôi đũa và cái bát trên tay con Linh.
Gắp liền mấy cái, tôi kẹp ngay hai cái đùi gà béo ngậy nhất bỏ vào bát mình.
Con Linh hét toáng lên: “Vũ! Sao mày lại cướp bát đũa của tao! Cái gà đó mẹ hầm cho tao mà!”
Ông Quốc với bà Mai cũng lập tức biến sắc.
Tôi chẳng thèm quan tâm, cầm lấy hai cái đùi gà, từng cái tôi liếm một lượt rồi đưa trả lại cho con Linh.
“Muốn không? Trả này.”
Con bé vừa ghê tởm vừa tức, cuối cùng òa khóc rồi chạy về phòng.
Ông bà kia lại bắt đầu lên giọng, kẻ một câu, người một câu.
Tôi giả điếc, cúi đầu ăn uống.
Tới khi hai người họ nói chán rồi, thì tôi cũng đã xử lý gần hết nguyên con gà.
Ăn xong, tôi không khách sáo, chìa tay về phía ông Quốc: “Đưa tiền.”
Ông ta nhìn bát gà tàn tạ, cố nuốt giận: “Cô đòi tiền làm gì?”
Tôi giữ nguyên tư thế, mặt lạnh như tiền: “Đưa không?”
Bà Mai lập tức bật dậy mắng tôi: “Đồ sao chổi! Cô ăn uống ngủ nghỉ ở đây mà còn mặt dày đòi tiền à?”
“Được, không đưa chứ gì.”
Tôi bất ngờ rút tay lại, giật mạnh mép bàn lên—“rầm!” một tiếng, bát đũa rơi loảng xoảng xuống đất.
Âm thanh to đến mức hàng xóm đang ăn trưa cũng nghe thấy rõ mồn một.
Trước khi hai người kịp phản ứng, tôi đã múc nửa bát canh hắt hết lên người mình, vò tóc cho rối tung rối mù như người điên.
Rồi tôi tát cho mình một cái thật mạnh, vừa khóc vừa lao ra sân.
Vừa chạy vừa gào: “Giết người! Có người giết người!”
Hai người kia đứng sững lại, sau đó mặt mày tái mét, vội vã chạy theo.
4
“Mấy người ép tôi lấy chồng, không cho tôi ăn uống đầy đủ, đến cả tiền tôi làm suốt hai năm cũng chẳng đưa lại cho tôi một đồng, lại còn lấy tiền đó để nuôi con Linh.
Tôi sống không nổi nữa rồi, mấy người ép tôi phải chết đúng không? Được, vậy tôi chết thêm lần nữa cho mấy người xem!”
Người kéo tới xem đông như hội.
Vừa nghe tôi lại định tìm đến cái chết, ai nấy liền lao lên giữ chặt lấy tôi.
“Trời ơi, Vũ à, con mà chết thì chẳng còn gì đâu!”
“Con còn trẻ mà, ba mẹ con cũng là vì lo cho tương lai của con mới sắp xếp vậy thôi, đừng dại dột!”
Vài cô bác kéo tay tôi mạnh đến mức tôi cũng đành thuận theo, ôm chầm lấy họ mà khóc đến nấc nghẹn.
Ông Quốc và bà Mai làm ở xưởng, mà mấy nhà gần đây cũng toàn làm cùng một chỗ.
“Cô ơi, con thật sự sống không nổi nữa rồi!”
Nói rồi tôi kéo cổ áo ra cho họ xem vết canh rau dính đầy người, và cả dấu tát đỏ ửng trên mặt.
“Con cứ tưởng được trở về với ba mẹ ruột thì sẽ được sống tốt hơn, không cần giàu sang gì, chỉ cần thương yêu một chút thôi… ai ngờ đâu…”
Nói đến đoạn này, tôi bật khóc, nhào vào lòng một cô bác bên cạnh.
Bàn tay ấm áp nhẹ nhàng vỗ lưng tôi, dịu dàng dỗ dành: “Không sao đâu, có bác đây rồi.”
Nói là “không sao”, chứ ai mà chẳng biết trước giờ Vũ là đứa ngoan hiền, suốt ngày chỉ biết cắm đầu làm việc.
Ban ngày đi làm thêm ở quán ăn nhỏ, tuổi mười tám mười chín chưa từng ăn diện một lần, kiếm được bao nhiêu tiền là đưa hết về nhà.
Vậy mà đứa em gái thì chưng diện lộng lẫy mỗi ngày.
Ai cũng có cán cân trong lòng, chỉ là chuyện nhà người ta, không tiện can thiệp mà thôi.
“Chuyện này đúng là ba mẹ con làm sai, nhưng cũng đâu thể vì vậy mà đòi chết.”
Khi ông Quốc và bà Mai chạy tới thì mọi người đã nắm rõ sự tình.
Biết được họ không chỉ giữ hết tiền công của con gái lớn, mà còn định giữ cả bốn món đồ điện với sính lễ để cho con gái nhỏ làm của hồi môn, ánh mắt mọi người nhìn hai người họ lập tức thay đổi hẳn.
“Quốc, Mai, hai người làm vậy là quá thất đức rồi đấy!”
Mặt hai người tái mét.
Người vừa lên tiếng chính là quản lý ở xưởng—người phụ trách trực tiếp công nhân.
Ngày thường muốn lấy lòng còn chẳng được, giờ lại vì chuyện nhà mà mang tiếng xấu.
Mà người vừa rồi ôm tôi vào lòng, chẳng ai khác chính là mẹ của ông quản lý đó.
Nói tôi tính toán?
Không, rõ ràng chỉ là… số đỏ thôi.